Như note trước chúng ta đã tìm hiểu:
- Cách Google Search hoạt động
- 5 lưu ý khi chọn từ khóa tìm kiếm
- Mẹo 1: Định nghĩa nhanh
- Mẹo 2: Tìm từ trang cụ thể.
Note này mình đi tiếp các phần còn lại, cụ thể là 8 mẹo khá hay ho dưới đây, mà mình tin là anh em sẽ áp dụng được nhiều trong công việc hằng ngày của mình
Mẹo 3: Tìm theo loại file
Mẹo này rất đơn giản. Đơn giản như sau.
Nếu anh em muốn tìm hiểu về UML (Unified Modeling Language), nhưng chỉ thích đọc tệp PDF, thì anh em chỉ cần search theo cú pháp: [UML filetyple:pdf].
Mẹo này cũng áp dụng cho nhu cầu tìm một bài báo khóa học, đề tài nghiên cứu nào đó (bên cạnh scholar.google.com). Các loại tệp có thể tìm kiếm bao gồm: PDF, DOC, DOCX, PPT, PPTX, TXT, CSV, DAT, và KML.
…
Có một ví dụ thực tế anh em có thể áp dụng mẹo này như sau.
Còn 7 ngày nữa là anh em đi Nhật Bổn công tác với sếp.
Anh sếp ảnh plan dư 1 buổi chiều để đi chơi. Và ảnh có nghe tới Kabuki (một loại hình sân khấu bên Nhật). Ảnh mới nhờ mình tìm hiểu chi tiết về Kabuki, rồi nói lại cho ảnh.
Một cách đơn giản, mình sẽ lên Google và search như sau.
Thay vì search đơn thuần [what is kabuki] >> ngồi đọc >> ngâm cứu >> tổng hợp ý chính >> abc xyz >> gửi síp xem. Thì thay vào đó, mình chỉ đơn giản search với cú pháp sau: [kabuki filetype:pdf].
Lúc này, Google sẽ trả ra toàn bộ các file pdf nói về kabuki. Đã bao gồm các thông tin cần thiết và được design đẹp đẽ, gọn gàng, chuyên nghiệp nhất có thể.
Lúc này anh em chỉ việc chọn file ô kê nhất >> rồi gửi cho sếp là xong.
Vừa tiết kiệm thời gian, lại vừa hiệu quả
Mẹo 4: Loại bỏ từ khóa bất kỳ
Ví dụ anh em muốn search về nghề BA mà không muốn Google trả ra kết quả từ blog Thinhnotes, thì anh em chỉ việc gõ như sau: [ba là gì -thinhnotes].
Tức anh em chỉ việc đặt dấu “-” trước từ khóa mà mình muốn Google loại ra.
Ứng dụng của chiêu này rất lợi hại nhé anh em.
Ví dụ mình muốn tìm những bài review về sách của chú Nguyễn Ngọc Thuần, review về sách – chứ không bán. Nghĩa là mình muốn đọc cảm nhận của mọi người về sách của tác giả.
Thì nếu anh em chỉ đơn thuần search [sách nguyễn ngọc thuần] thì kết quả sẽ tran lan đại hãi các bài review để… bán sách. Hoặc đa phần là các trang TMĐT review vài dòng sơ sài, để SEO từ khóa. Mục đích sau cùng cũng chỉ để bán sách.
Vì các trang bán sách này luôn có các “từ khóa bán hàng” như: “giá”, “giảm”, “đ”, “click ngay”, “mua”…
Do đó để loại bỏ, anh em hãy thay đổi cách search bằng từ khóa: [sách nguyễn ngọc thuần -giá -giảm -đ]. Hoặc mạnh hơn là bỏ luôn mấy ông nội như: [sách nguyễn ngọc thuần -tiki -fahasa -lazada -vinabook].
Hoặc anh em muốn tìm các sự kiện hót sắp diễn ra ở Bangkok để lên lịch đi chơi. Mà có cái lễ hội Songkran nổi quá, báo nào cũng viết, search kiểu nào cũng ra cái lễ hội này, mà anh em lại ghét, không muốn đi.
Thì đơn giản chúng ta có thể search theo cụm: [hot event in bangkok -songkran] là đã loại bỏ được các bài báo viết về Songkran rồi
Mẹo 5: Tìm câu trích dẫn
Mẹo này dùng để tìm ra nguyên xi nội dung có chứa câu trích dẫn. Nội dung đó có thể là: sách, lời bài hát, hoặc thơ ca chẳng hạn.
Anh em chỉ cần đặt câu trích dẫn trong dấu ngoặc kép là được. Ví dụ: [“what doesn’t kill you makes you stronger”].
Mình không hay dùng cách này nên chắc không có ví dụ cụ thể. Để tham khảo chơi zui thôi nhen anh em, hihi.
Mẹo 6: Tìm kiếm theo nhiều từ khóa
Cú pháp tìm kiếm của mẹo này là: [keywordA OR keywordB]. Dùng để tìm kiếm nhiều từ khóa cùng một lúc: A hoặc B hoặc C hoặc D….đại loại vậy.
Mẹo này cực kỳ hữu dụng trong những trường hợp sau.
Giả dụ anh em đi công tác bên UK suốt 1 tuần, và thấy oải vô cùng với đồ ăn thức uống bên này. Tối đó là ngày công tác cuối cùng, anh em muốn tìm một nhà hàng bán đồ ăn Việt, đồ Thái hay đồ Tàu nào gần đó, để ăn cho dễ nuốt.
Lúc này anh em chỉ cần bật tìm kiếm Google, gõ: [restaurant vietnamese OR thailand OR china]. Sau đó chỉ việc ngồi… lướt và lựa :3
Mẹo 7: Kết quả trả ra bắt buộc phải có từ khóa đó
Giả dụ anh em thực hiện tìm kiếm Google với câu query sau: [TừKhóa1 TừKhóa2 TừKhóa3] >> bấm Enter cái bặcccc.
Google trả ra kết quả >> nhưng vô các trang kết quả lại chỉ thấy TừKhóa1, TừKhóa2, mà không thấy TừKhóa3 ở đâu???
Lý do vì Google đánh giá mức độ quan trọng của “TừKhóa1″ và “TừKhóa2″ cao hơn so với nguyên cụm đủ 3 từ khóa xuất hiện cùng lúc “TừKhóa1 TừKhóa2 TừKhóa3″.
Do đó đôi lúc nó sẽ bỏ rơi “TừKhóa3″, dẫn tới kết quả tìm được sẽ không thấy TừKhóa3 đâu.
Để giải quyết vấn đề này, anh em chỉ cần đặt từ khóa mà mình muốn xuất hiện trong trang kết quả ngay sau cụm “intext:”. Ví dụ: [TừKhóa1 TừKhóa2 intext:TừKhóa3].
Chẳng hạn đợt rồi mình cần tìm tài liệu của Microsoft về System Requirement để dẫn chứng cho khách hàng xem.
Do Microsoft phát hành 2 bản thông báo:
- Bản cũ (07/2018) thì có nhắc đến trình duyệt Safari.
- Bản mới (07/2019) thì không nhắc đến trình duyệt này.
Mà kẹt cái là khách hàng đang cần check minimum requirement của Safari. Mà mình search bằng cụm từ [system requirement dynamics 365 safari] thì nó lại ra kết quả không có từ khóa “safari” trong đó, nên không gửi khách hàng được. Do Google tự ranking và hiển thị bản thông báo mới nhất (07/2019).
Do đó, mình phải chèn thêm [system requirement dynamics 365 intext:safari]. Để kết quả có từ khóa Safari, thì mình mới lấy bản đó gửi cho khách hàng được.
Mẹo 8: Tìm bằng hình ảnh
Đây là mẹo mình nghĩ ít anh em nào để ý mặc dù nó khá… rõ ràng. Đó là tìm hình ảnh bằng… hình ảnh
Hay zậy đó, vì Google không chỉ đọc được chữ, mà nó còn đọc hiểu được cả hình ảnh.
Anh em vào Google Search >> chọn Hình Ảnh. Lúc này anh em sẽ thấy một icon camera như sau.
Đây là chức năng giúp anh em tìm kiếm hình ảnh, dựa trên một hình ảnh gợi ý.
Ví dụ lâu lâu mình thấy có những tấm hình rất art. Và mình muốn tìm kiếm những tấm tương tự để làm hình bìa cho bài note. Khi đó, công việc của mình chỉ việc drop & drag tấm hình này vào ô Google Search hình ảnh là xong
Lợi hại quá chứ hả Anh em nhớ thử trải nghiệm nhé.
Mẹo 9: Search Settings & Tools
Mẹo kế cuối sẽ là mẹo chơi combo hai thứ cùng lúc, đó là: Search Settings và Search Tools.
Search Tools sẽ giúp anh em tìm kết quả theo một vài tham số sau:
- Quốc gia – ví dụ chỉ tìm kiếm kết quả từ các trang của Việt Nam, Lào, Campuchia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp…
- Thời gian – ví dụ chỉ tìm các kết quả từ thời gian nào đến thời gian nào (cả từ khóa thời gian, lẫn thời gian URL đó được Google index nhé anh em).
- Màu sắc – đối với tìm kiếm hình ảnh.
- Loại ảnh – cũng áp dụng riêng với tìm kiếm hình ảnh.
- Cuối cùng là tìm đúng nguyên văn từ khóa được nhập vào.
Thường khi search, Google sẽ chạy thuật toán với các tiêu chí khác nhau để chọn kết quả. Nhưng cũng có lúc, các từ khóa bị đảo ngược thứ tự xuất hiện trên các trang kết quả. Đôi lúc dẫn tới kết quả không đúng như anh em muốn.
Những lúc này, hãy dùng tới Search Tools với chức năng: search Nguyên văn (verbatim). Cụ thể anh em chỉ cần bật chức năng này lên, Google sẽ trả ra các kết quả với đúng y xì từ khóa anh em cần tìm kiếm.
…
Tháng rồi mình có nhận email khuyến mãi 40% của ứng dụng Grammarly (mở mail ra mất hồn liền). Nhưng vì đợt đó lu bu quá nên chưa kịp lưu lại.
Tuần rồi mình có lục lại tìm email khuyến mãi đó nhưng không thấy. Thế là phải nhờ bác Gồ.
Nhưng khổ nỗi, search bình thường thì ra cả biển trời, mà kết quả lại không đâu vào đâu. Nhưng theo mình nhớ mang máng thì khuyến mãi chỉ trong tháng 8 thì phải, tức là đến 30/08 là hết.
Lúc đó mình mới dùng Search Tools – tìm kiếm theo thời gian. Mình giới hạn kết quả tìm kiếm lại từ 01/08/2019 đến 30/08/2019 >> bấm en tơ cái bặcccc. Kết quả còn hơn cả mong đợi
Tuy chỉ còn mấy chục ngàn kết quả, nhưng top 1 và top 2 hiệu quả hơn hẳn. Đó là những mã discount thật và mình thử áp dụng thì nó thật sự giảm (vì còn hiệu lực).
Do đó, nếu cứ search thông thường, lọ mọ trong mớ hỗ lốn cả triệu kết quả trả về, thì chắc tới mùa quít năm sau cũng không mò ra quá anh em.
…
Hoặc bữa mình thấy có anh đồng nghiệp kia đọc sách. Ổng đọc cuốn gì về BA mà hay lắm, thấy đọc ngấu nghiến liên tục.
Tò mò quá nên về search thêm. Những gì mình có được chỉ là:
- Cuốn sách đó nói về BA
- Nó có bìa màu vàng.
Và mình làm một phát tìm kiếm trên Google là có ngay kết quả. Bằng cách sau:
…
Tiếp theo là Search Settings. Phần này mình chỉ muốn highlight cho anh em 2 chức năng chính, đó là:
- Search theo Ngôn ngữ.
Anh em nhớ dùng nó để tìm những thứ cần có độ xác thực cao. Thường dùng khi mình cần tìm các kết quả đến trực tiếp từ các trang bản địa.
Ví dụ tìm hiểu về: luật pháp, du lịch, quy định của địa phương đó… Hoặc tìm kiếm bài báo, thơ ca, sách truyện bản gốc chưa qua Auto Translate của Google. - Thứ hai là Advanced Search, tức tìm kiếm nâng cao.
Advanced Search nôm na là gom hết toàn bộ 8 mẹo trên lại, cùng search một lúc. Như hình dưới.
Mẹo 10: Tổng hợp các mẹo dùng để lòe loẹt làm màu hiệu quả
Đây là những mẹo dùng để làm màu, múa may, lòe loẹt với đồng bọn rất hiệu quả, anh em nên cân nhắc sử dụng
- [my reservation]: Tìm kiếm chuyến bay, lịch họp kế tiếp của mình (với điều kiện anh em đã login vào Google và có lịch bay, lịch họp trong Gmail hoặc Google Calendar).
- [50000 usd = vnd] hoặc đại loại các phép tính quy đổi khác (google update tỉ giá hơi chậm nha anh em)
- Các công thức tính toán. Từ đơn giản như [1+1], đến những thứ hổ báo cáo chồn như [y = sin(x), y = cos(x)] hoặc [z = cos(x) + cos(y)].
- Hoặc những thứ nhảm nhảm múa may quay cuồng như:
- [do a barrel roll]
- [flip a coin]
- [askew]
- [zerg rush]
- …
Nói về các mẹo tìm kiếm google thì trên mạng không thiếu. Thậm chí còn được trình bày ngắn gọn và súc tích hơn bài notes dài thoòng loòng nãy giờ của mình nữa.
Nhưng mấu chốt bài này mình muốn share cho anh em thật nhiều những ví dụ thực tế mà mình đã áp dụng.
Đó là quan trọng nhất. Vì nếu không nói rõ Use Case, không nói rõ thực tế khi nào dùng, dùng vì mục đích gì, thì bài notes sẽ trở nên sáo rỗng và rất vô nghĩa.
Nếu có góp ý hay thắc mắc gì cứ còm men cho mình nhé. Hẹn gặp anh em ở bài note về sơ đồ ERD trong tuần sau
0 Nhận xét